Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Bài học ý nghĩa từ câu chuyện lừa, bò và lão nông dân: Hãy làm người tốt một cách khôn ngoan

Giúp người khác, làm người tốt việc tốt luôn là điều cần thiết, thế nhưng nếu không biết lựa chọn cách làm khôn ngoan có thể bạn sẽ phải gánh chịu hoàn toàn hậu quả.
bai-hoc-y-nghia-tu-cau-chuyen-lua-bo-va-lao-nong-dan-hay-lam-nguoi-tot-mot-cach-khon-ngoan
Bài học ý nghĩa từ câu chuyện lừa, bò và lão nông dân: Hãy làm người tốt một cách khôn ngoan

Câu chuyện lừa, bò và lão nông dân được trích từ tác phẩm "The richest man in Babylon" (Người giàu nhất thành Babylon) của tác giả George S. Clason sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn mới mẻ không chỉ trong cuộc sống, mà trong cả đầu tư, kinh doanh hay khởi nghiệp.
Có một người nông dân hiểu được tiếng nói của loài vật nên vào mỗi buổi chiều ông thường nán lại trong chuồng gia súc để nghe các con vật nói chuyện. Một buổi chiều nọ, người nông dân nghe con bò đực phàn nàn với con lừa về công việc nặng nhọc của mình:
– Tôi kéo cày cật lực từ sáng sớm cho tới tối mịt, cho dù trời rất nắng, chân tôi mỏi nhừ hay cổ của tôi đau rát… Ngược lại, cuộc sống của anh lại luôn an nhàn và sung sướng. Hằng ngày, anh được choàng lên người tấm mền sặc sỡ và chẳng làm gì ngoài việc mang ông chủ đi đến nơi nào ông ấy thích. Còn nếu ông chủ không đi đâu cả, anh chỉ việc nằm nghỉ ngơi và gặm cỏ non suốt ngày.
Nghe bạn nói vậy, con lừa dù đang đau đớn vì các gót chân trầy trụa do phải chở ông chủ cả ngày trên những con đường gồ ghề, vẫn thể hiện là người bạn tốt và dành nhiều thiện cảm cho con bò, nên nói:
– Này bạn thân ơi, thấy bạn làm lụng rất nhọc nhằn, tôi muốn giúp đỡ bạn lắm. Tôi sẽ bày cách cho bạn làm thế nào để có được một ngày nghỉ ngơi thoải mái. Vào buổi sáng ngày mai, khi người nô lệ đến buộc cày vào cổ bạn, bạn hãy nằm xuống và rống lên thật thảm thiết. Họ sẽ tưởng là bạn bị ốm và không bắt bạn làm việc nữa.
Vậy là sáng hôm sau, con bò đực bèn nằm lăn ra đất theo lời khuyên của con lừa. Người nô lệ quay về trang trại bẩm báo, người nông dân bèn bảo:
– Thế thì hãy bắt con lừa làm thay công việc cày xới của con bò.
Suốt ngày hôm đó, vì thiện chí muốn giúp con bò, nên lừa phải làm thay công việc của bò. Đến chiều tối, khi được tháo cái cày ra, con lừa cảm thấy rất chua xót trong lòng, chân cẳng thì rã rời, còn cái gáy lại đau buốt do cả ngày bị cái ách cọ xát vào.
Lúc đó, người nông dân cố ý trở lại chuồng để lắng nghe. Con bò lên tiếng trước:
– Anh quả thật là người bạn tốt của tôi. Bởi vì nhờ lời khuyên khôn ngoan của anh, tôi đã hưởng được một ngày nghỉ ngơi rất thoải mái.
– Còn tôi giống như những kẻ ngu ngốc khác, ban đầu muốn giúp đỡ anh tránh làm công việc nặng nhọc, nhưng cuối cùng lại phải làm thay anh. Từ đây, anh phải lo làm việc của anh đi. Bởi vì, tôi nghe tiếng ông chủ bảo rằng sẽ mổ thịt anh khi nào anh bị ốm lần nữa. Anh đúng là một kẻ lười biếng!
Con bò rất giận vì những lời nói của con lừa. Kể từ đó, chúng không còn nói chuyện với nhau nữa. Điều này cũng chấm dứt tình bạn của bò và lừa.

Bài học rút ra ở đây là: Nếu bạn muốn giúp bạn bè của mình, thì phải làm sao để gánh nặng không chuyển từ bạn bè sang cho chính bản thân bạn. Giúp đỡ người đang gặp khó khăn, hoạn nạn hay những người đang khởi đầu sự nghiệp là điều cần thiết. Nhưng bạn phải biết giúp họ một cách khôn ngoan, nếu không bạn sẽ giống như con lừa trong câu truyện trên, chỉ phải gánh chịu những gánh nặng của người khác mà thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More